Với diện tích nhỏ, gia chủ cần bố trí bếp sao cho khoa học, ngăn nắp, tiện nghi và đặc biệt là đảm bảo tính thẩm mỹ.
Trong mỗi ngôi nhà đẹp, phòng bếp được coi là nơi giữ lửa cho gia đình, tượng trưng cho tổ ấm hạnh phúc. Chính vì vậy, ai cũng muốn sở hữu cho mình một căn bếp đẹp, tiện nghi để truyền cảm hứng nấu ăn, mang đến những bữa cơm ngon miệng cho cả nhà.
Tuy nhiên, không phải ngôi nhà nào cũng đủ diện tích để bố trí được căn bếp rộng rãi. Vậy, với diện tích nhỏ, gia chủ cần bố trí bếp ra sao cho khoa học, ngăn nắp, tiện nghi và đặc biệt là đảm bảo tính thẩm mỹ.
VietNamNet xin giới thiệu đến độc giả một số cách bài trí phòng bếp đẹp:
Phòng bếp phong cách Vintage
Đồ dùng được sử dụng trong nhà bếp phong cách Vintage thường mang hơi hướng cổ điển. Khi bài trí bếp theo phong cách này bạn cần lưu ý:
1/Sử dụng màu sơn phù hợp: Việc lựa chọn màu sơn cho nhà bếp phong cách Vintage cũng rất quan trọng. Màu sơn phải làm toát lên vẻ ngọt ngào, sáng sủa và tinh tế của căn bếp. Bạn có thể sử dụng các gam màu như màu kem, xanh hoặc trang trí tường với những họa tiết nhỏ, đẹp, đơn giản.
2/Trang trí tường nhà bếp với những vật dụng nhỏ xinh: Bức tường nhà bếp được trang trí với những phụ kiện bắt mắt, cầu kỳ sẽ làm nổi bật phong cách Vintage hơn. Một chiếc đồng hồ treo tường kiểu Vintage hay rèm cửa sổ họa tiết ren là lựa chọn số một cho nhà bếp. Tuy nhiên, những vật dụng trang trí này không phải dễ tìm kiếm, phải bỏ ra nhiều công sức tìm tòi và sưu tầm mới được.
3/ Trang trí trần nhà: Muốn tạo không gian cổ điển và đặc sắc cho nhà bếp thì không thể bỏ qua việc trang trí trần nhà. Cách thường thấy nhất khi trang trí trần kiểu Vintage đó là treo thêm những chiếc đèn chùm, đèn led hoặc bố trí những dàn cây cảnh đẹp xinh, đem đến không gian nhà bếp đậm cá tính riêng của gia chủ.
4/ Bài trí đồ dùng nhà bếp: Sự gọn gàng, ngăn nắp, thuận tiện cho nấu nướng là những yếu tố hàng đầu khi thiết kế nhà bếp phong cách Vintage. Các đồ dùng nhà bếp cũng vừa phải đảm bảo tính tiện lợi, lại vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ khiến không gian trở nên sinh động, đẹp lung linh hơn. Với những người cẩn thận, tỉ mỉ, họ sẽ lựa chọn những lọ hoa trang trí theo phong cách Vintage để tô điểm thêm cho nhà bếp ấm cúng của mình.
5/ Bàn ăn cho căn bếp phong cách Vintage: Bàn ăn phù hợp với nhà bếp kiểu Vintage nên là loại có thiết kế nhỏ, mảnh, nhưng các đường nét vẫn toát lên sự nhẹ nhàng, thanh thoát. Kết hợp bàn ăn với các loại đèn trần trang trí để tạo thêm điểm nhấn đặc sắc cho nhà bếp không quá đơn điệu.
Bếp phong cách tối giản
Trong thiết kế nhà ở, phong cách Minimalism đề cao vẻ đẹp đơn giản nhưng tinh tế và hiện đại. Không cần quá nhiều đồ dùng nội thất, chi tiết và đường nét nhưng phong cách này vẫn đáp ứng được yếu tố thẩm mỹ độc đáo theo lối đi riêng, tạo nên một không gian hài hòa và thông thoáng.
Đặc biệt, khi ứng dụng phong cách tối giản vào khu vực phòng bếp, gia chủ có thể lược bỏ tối đa những vật dụng không cần thiết, hoặc thay thế bằng những đồ dùng thông minh tích hợp đa chức năng, qua đó, tiết kiệm đáng kể chi phí mua sắm, cũng như công sức sửa sang, bày trí nội thất phòng bếp tối giản.
Khi bài trí bếp theo phong cách này bạn cần lưu ý:
1/ Dọn dẹp đồ cũ: Bạn cần cân nhắc xem bếp từ, lò vi sóng, máy pha cà phê, đĩa ăn lớn, đĩa ăn trẻ con, muỗng nĩa ăn, muỗng cà phê, muỗng ăn bánh,… có thường xuyên sử dụng không? Nếu đồ nào ít sử dụng thì cất gọn đi và hạn chế bày biện ra ngoài mặt bếp. Minimalism là tối giản, hướng đến công dụng thực chất chứ không chạy theo nhu cầu phù phiếm hay lối sống phô trương, lộn xộn đồ đạc.
2/ Ánh sáng: Bên cạnh màu sắc, ánh sáng là yếu tố quan trọng thể hiện sự đơn giản, tinh tế trong phong cách này. Ánh sáng không chỉ tác động trực tiếp, tạo ra các các hiệu ứng về thị giác mà còn làm tăng tính thẩm mỹ cho phòng bếp nói riêng và toàn bộ căn nhà nói chung.
Để có được nhà bếp phong cách tối giản với nguồn sáng hợp lý, gia chủ cần nghiên cứu kỹ lưỡng các yếu tố về hướng phòng, hướng cửa sổ,... ngay từ khi thiết kế nhà ở. Ngoài ra, gia chủ cũng nên có sự tính toán hợp lý về phong thủy và hướng gió để mọi không gian đều có được sự thông thoáng và nhận được ánh sáng tự nhiên một cách hài hòa, khoa học nhất.
3/ Trang trí: Màu sắc, kiểu dáng cơ bản mà tinh tế của các đồ dùng trong nhà bếp tối giản sẽ tạo nên sự hài hòa về tổng thể không gian. Tuy nhiên, gia chủ cũng nên điểm thêm một vài chi tiết trang trí nhấn nhá, giúp căn bếp trở nên có sức sống hơn.
Một chậu cây cảnh nhỏ xinh hay những đồ vật có có hình khối vuông, tròn, chữ nhật với kích thước nhỏ gọn, màu sắc nhẹ nhàng sẽ là gợi ý thú vị để trang trí cho không gian nấu nướng.